Thần Lương Hằng Ngày

PVLC Tuần 2 Thường Niên Năm B

Trọng kính Cộng đồng Dân Chúa,

Để cùng với Giáo Hội cử hành Mầu Nhiệm Chúa Kitô dọc suốt phụng niên,

cử hành "một cách chủ động và tích cực" như chủ trương canh tân phụng vụ của Công đồng Chung Vaticanô II,

Giáo Hội đã soạn chọn cho Cộng đồng Đức tin Dân Chúa của mình PVLC thích đáng cho từng mùa, từng Chúa Nhật và từng Lễ.

Bởi thế, để xứng đáng cử hành Mầu Nhiệm Chúa Kitô trong Mùa Thường Niên hậu Giáng Sinh, 

giai đoạn đầu của Mùa Thường Niên, giai đoạn ngắn nhất là 5 tuần và dài nhất là 9 tuần lễ,

để tiếp nối hay kéo dài chiều hướng Giáng Sinh, về một "Người Con duy nhất đến từ Cha, đầy ân sủng và chân lý" (Gioan 1:14).

Chúng ta thật sự thấy rõ "Người Con duy nhất đến từ Cha" nơi Lễ Chúa Giêsu Chịu Phép Rửa (thường được cử hành vào Chúa Nhật),

và tiếp tục thấy được tất cả những gì là "đầy ân sủng và chân lý" được xuất phát từ Người, qua những lời Người nói và việc Người làm,

như được ghi nhận trong các Phúc Âm của từng Chúa Nhật cũng như ngày trong tuần của Mùa Thường Niên hậu Giáng Sinh này.

Trong khi chú trọng đến chiều hướng hậu Giáng Sinh về "Người Con ... đầy ân sủng và chân lý",

chúng ta tiếp tục cử hành PVLC Tuần II Thường Niên Năm B ở những đường links sau đây:


bé tĩnh

Tuần II

MTN.CNII-B.mp3 / https://youtu.be/5Y87hHibjTw (từ mp3)

https://youtube.com/live/N9o46Bl7pmc (livestream)

 DTCPhanxico-HuanTuTruyenTinCNIITN.B.mp3 / 

https://youtu.be/SKxRXYzS9Vk

TN.II-2.mp3

TN.II-3.mp3

TN.II-4.mp3 

ThánhAntonVienPhu.mp3 / 

https://youtu.be/FbQe9oyBY_E (17/1)

TN.II-5.mp3 

MTN-Tuan.II-6.mp3

 Thu.7.II-TN.mp3 

 ThanhFabianoGHTD-ThanhSebastianoQNTD.mp3 / 

https://youtu.be/Yd-VO1hZaDg (20/1)


Suy nghiệm Lời Chúa

Bao giờ Chúa Nhật Thứ Hai Mùa Thường Niên, dù là Chu Kỳ Phụng Vụ Năm A, B hay C, cũng đều theo Phúc Âm của Thánh Ký Gioan, như một chuyển tiếp giữa biến cố Chúa Giêsu chịu phép rửa đến việc Người chính thức công khai tỏ mình ra. Và ý nghĩa chuyển tiếp này về Chúa Giêsu Kitô, qua 3 bài Phúc Âm theo Thánh ký Gioan được Giáo Hội cố ý chọn đọc, lại liên quan đến vai trò môi giới của hai nhân vật bất khả thiếu: trước hết là vai trò môi giới của Tiền Hô Gioan Tẩy Giả - giữa Chúa Giêsu với chung dân chúng (Phúc Âm Năm A) cũng như với riêng môn đệ của ngài (Phúc Âm Năm B), và sau nữa là vai trò môi giới của Mẹ Maria ở tiệc cưới Cana, giữa Chúa Giêsu với các tập sinh môn đệ của Người (Phúc Âm Năm C).

Thật vậy, theo Thánh Ký Gioan, thì sau biến cố chịu phép rửa của Tiền Hô Gioan Tẩy Giả ở Sông Dược Đăng (Jordan), Chúa Giêsu không vào hoang địa chay tịnh 40 ngày và chịu ma quỉ cám dỗ ngay, mà còn ở đâu đó gần chỗ Tiền Hô Gioan Tẩy Giả thi hành thừa tác vụ của ngài. Cũng theo Thánh ký Gioan, không phải Tiền Hô Gioan Tẩy Giả làm phép rửa cho Chúa Giêsu rồi, (như được 3 Thánh ký của Phúc Âm Nhất Lãm thuật lại), là hoàn tất sứ vụ của ngài. Trái lại, vị tiền hô này, theo Thánh ký Gioan, (người viết Phúc Âm không thuật lại biến cố phép rửa như 3 vị viết Phúc Âm Nhất Lãm), vẫn còn tiếp tục sứ vụ làm chứng cho Đấng đến sau ngài nhưng cao trọng hơn ngài mà lại được ngài làm phép rửa cho (xem Gioan 1:33).

Những chứng từ của Tiền Hô Gioan Tẩy Giả, cho dù chỉ là "những chứng từ của loài người" (Gioan 5:34), cũng vẫn bất khả thiếu trước mắt trần gian như là một thủ tục giới thiệu về "Đấng đến sau" cho những ai quen biết và là thành phần sẽ được chính "Đấng làm phép rửa trong Thánh Thần" (Gioan 1:33) ấy tỏ mình ra cho, trong đó có chung dân Do Thái và riêng các môn đệ của vị tiền hô này. Nếu trong bài Phúc Âm Năm A cho Chúa Nhật 2 Năm A cho thấy vị Tiền Hô Gioan Tẩy Giả đã giới thiệu với chung dân chúng về "Đấng đến sau" cũng là "Đấng đang tiến về phía ngài" bấy giờ (Gioan 1:29) rằng Người là "Chiên Thiên Chúa, Đấng gánh tội trần gian" (Gioan 1:29), thì trong bài Phúc Âm Năm B hôm nay, ngài giới thiệu với "hai trong số các môn đệ của ngài" về "Đấng đến sau" cũng là vị bấy giờ đang "đi ngang qua" (Gioan 1:36) chỗ của ngài, (chứ không "tiến đến về phía ngài" như hôm trước), rằng Người là "Chiên Thiên Chúa" (Gioan 1:36).

Sau biến cố chịu phép rửa của Tiền Hô Gioan Tẩy Giả, trong cả hai ngày liền, Chúa Giêsu chưa rời bỏ nơi thi hành thừa tác vụ của Tiền Hô Gioan Tẩy Giả, "ngày hôm sau... Chúa Giêsu tiến về phía ngài", và "ngày kế tiếp... Chúa Giêsu đi ngang qua", và cũng trong cả hai ngày liền này, theo Thánh ký Gioan thuật lại, Chúa Giêsu đều không nói năng gì với vị tiền hô của Người. Thậm chí cả trước khi lãnh nhận Phép Rửa, Người cũng không tự động mở miệng ta nói năng bất cứ một sự gì với ai, kể cả với vị tiền hô của Người, bởi chưa tới giờ của Người, chưa tới lúc Người chính thức tỏ mình ra, thi hành thừa tác vị Thiên Sai Cứu Thế của Người, cho tới khi Người không thể nào không lên tiếng, hoàn toàn bất đắc dĩ, để trấn an vị tiền hô của Người (x. Mt. 3:15), nhờ đó Người đã giúp cho vị này có thể an tâm chu toàn sứ vụ tiền hô của vị đến trước ấy đối với Người là Đấng đến sau ngài nhưng cao trọng hơn ngài như chính ngài đã chân nhận.

Tuy nhân vật lịch sử Giêsu Nazarét hoàn toàn xa lạ với toàn dân Do Thái này không nói năng gì, nhưng Người đã được một nhân vật thế giá khác, phải nói là thế giá nhất, trong chung dân chúng cũng như với riêng thành phần lãnh đạo của dân Do Thái (xem Gioan 1:19-28) lên tiếng thay, đó là Vị Tiền Hô Gioan Tẩy Giả, với vai trò trung gian giới thiệu "Đấng đến sau". Và bài Phúc Âm hôm nay đã cho thấy tác dụng của lời ngài giới thiệu, đó là: "Hai môn đệ nghe ông nói, liền đi theo Chúa Giêsu". Hai vị môn đệ này "đi theo Chúa Giêsu" khi "nghe ông nói" về Người ngay bấy giờ "Ðây là Chiên Thiên Chúa", phải chăng các vị bị thúc đẩy bởi động lực muốn biết "tất cả sự thật" (Gioan 16:13) về "Đấng đến sau" sư phụ của các vị, nhưng lại cao trọng hơn sư phụ của các vị, ở chỗ Người là "Chiên Thiên Chúa", đúng như lời tiên báo xưa (xem Isaia 53:7-8).

Chính thái độ đầy hiếu kỳ lại có vẻ hết sức rụt rè của hai vị trước một nhân vật hoàn toàn xa lạ với các vị, dù được sư phụ của các vị chứng nhận và giới thiệu, cho thấy Chúa Giêsu Kitô thật sự cần phải được Tiền Hô Gioan Tẩy Giả làm trung gian giới thiệu, như Bài Phúc Âm Năm A và B cho Chúa Nhật II Thường Niên Hậu Giáng Sinh cho thấy, cũng như được Mẹ Maria trung gian giới thiệu ở tiệc cưới Cana trong thành phần thân bằng quyến thuộc của Mẹ, như Bài Phúc Âm Năm C Tuần II Thường Niên Hậu Giáng Sinh chứng thực (xem Gioan 2:1-12). Chính vì thế, để phấn khích những ai muốn tìm hiểu về mình, như 2 môn đệ này, Chúa Giêsu đã tự mở lời trước: "Các ngươi đang tìm kiếm gì đấy?". Như thế, trước khi Chúa Giêsu chính thức tỏ mình ra qua Phép Rửa, nhân vật đầu tiên được nghe lời Người nói là vị Tiền Hô Gioan Tẩy Giả, và sau khi Người lãnh nhận Phép Rửa là hai môn đệ của vị tiền hô này.

Được phấn khích bởi lời của nhân vật cao trọng hơn thày mình như thế, hai môn đệ của Tiền Hô Gioan Tẩy Giả ấy bấy giờ mới dàm bảy tỏ tâm tư của mình, ở chỗ: "Họ thưa với Người: 'Rabbi, nghĩa là: thưa Thầy, Thầy ở đâu?'". Ý nghĩa sâu xa của vấn nạn được hai vị đặt ra hỏi Người bấy giờ, theo chiều hướng Do Thái giáo, tức "Thưa Thày, Thày là ai vậy?" Bởi vì, một khi biết được "Thày ở đâu?" là biết được nguồn gốc từ đâu đến của Người, từ đó họ mới có thể nhận ra Người và làm chứng về Người, như một trong hai người môn đệ này là Anrê đã tuyên xưng và làm chứng với người anh Simon của mình sau đó, khi chàng tỏ ra hết sức hào hứng rủ anh mình đến với Người cho bằng được: "Chúng tôi đã gặp Ðấng Messia".

Câu Chúa Giêsu trả lời cho vấn nạn "Thày ở đâu?" được 2 người môn đệ của Vị Tiền Hô Gioan Tẩy Giả đặt ra liên quan đến nơi chốn về không gian của Người này, đã được Người đáp ứng theo tầm mức và chiều hướng thích hợp của câu vấn nạn, cũng có tính cách về không gian: "Hãy đến mà xem". Được mời gọi một cách hoàn toàn khách quan, chứ không bị áp đặt, theo đúng ước vọng của mình như thế: "Họ đã đến và xem chỗ Người ở, và ở lại với Người ngày hôm ấy, lúc đó độ chừng giờ thứ mười", tức khoảng 4-5 giờ chiều. Nếu hai vị "đã ở lại với Người ngày hôm ấy", thì tất nhiên hai vị đã không ở qua đêm, nghĩa là chỉ khoảng mấy tiếng đồng hồ. Trong thời gian "ở lại với Người ngày hôm ấy", chắc các vị đã cẩn thận quan sát từng hành vi cử chỉ của Người. Không biết các vị có hỏi thêm Người điều gì hay chăng. Có thể chính Người âm thầm sửa soạn một bữa ăn và đã đích thân tiếp họ bữa tối hôm đó trước khi họ về, như Người đã làm bữa tiếp 7 môn đệ của Người ở bờ biển hồ Tibêria sau khi Người sống lại từ trong kẻ chết và hiện ra với các vị lần thứ ba (xem Gioan 21:12-13).

Chúng ta không biết người môn đệ thứ hai cùng chàng Anrê đến với Chúa Giêsu chiều hôm ấy là ai, nhưng, căn cứ vào một số chi tiết được Thánh ký Gioan trình thuật lại ngay sau đó thì có thể người môn đệ kia là chàng Philiphê, "ở Betsaiđa, cùng quê với Anrê và Phêrô" (Gioan 1:44), và hành động rủ rê bạn bè đến với Chúa Giêsu cũng chứng tỏ chàng đã gặp Chúa Giêsu, nên lời của chàng thanh niên này rủ rê bạn của mình là Nathanael đến với Chúa Giêsu cũng chất chứa một nội dung giống như chàng Anrê nhưng chi tiết hơn: "Chúng tôi đã gặp Đấng được Mose nói đến trong lề luật, cả các vị tiên tri cũng nói nữa, đó là Giêsu, con ông Giuse, ở Nazarét".

Cả hai chàng thanh niên môn đệ của Tiền Hô Gioan Tẩy Giả ấy, sau khi ở với Chúa Giêsu, đều tự mình cảm nhận được Người từ đâu tới, để rồi nhờ cảm nghiệm thần linh này thúc đẩy đã trở về làm chứng cho Người và kéo thêm bạn bè đến với Người như mình. Thái độ cởi mở lắng nghe của các vị đã phản ảnh thái độ của thiếu nhi Samuel trong Bài Đọc I hôm nay, một thiếu nhi có tâm hồn cởi mở lắng nghe "này con đây". Chúng ta hãy lưu ý một chi tiết rất quan trọng ở đây, đó là vị trí "Samuel ngủ trong đền thờ Chúa, nơi đặt Hòm Bia Thiên Chúa". Nghĩa là thiếu nhi Samuel ở gần Thiên Chúa, ở nơi Thiên Chúa hiện diện, nơi Ngài tỏ mình ra, thế nhưng nếu Samuel không biết cởi mở lắng nghe thì cũng chẳng thể nào nhận ra tiếng của Ngài mà đáp ứng một cách mau mắn và hết lòng: "Lạy Chúa, xin hãy nói, vì tôi tớ Chúa đang nghe".

Hai mônđệ của vị Tiền Hô Gioan Tẩy Giả nếu không có tâm hồn cởi mở và lắng nghe, thì trước hết họ đã chẳng lưu ý gì đến lời của vị sư phụ giới thiệu về "Con Chiên Thiên Chúa" cho họ, mà vì thế họ cũng chẳng lẽo đẽo theo sau nhân vật được gọi là "Con Chiên Thiên Chúa" này, để "ở với Người" làm chi cho mất công, mất giờ, và nếu không nhận biết Người thì họ cũng chẳng thể nào làm chứng về Người sau khi đã cảm nhận được Người, thậm chí còn rủ thêm thân nhân bạn hữu đến với Người nữa, như bài Phúc Âm hôm nay trình thuật.

Trong số 3 tác động của 2 người môn đệ đó là: "Họ đã đến (1) và xem chỗ Người ở (2), và ở lại với Người (3) ngày hôm ấy", thì 2 tác động đầu là 2 tác động cần thiết bất khả thiếu, nhưng tác động thứ ba mới là tác động quan trọng nhất và đỉnh điểm nhất. Nếu thiếu tác động "ở lại với Người", mà chỉ "đến mà xem" thôi, thì chắc chắn hai người môn đệ này không thể nào nắm bắt được tất cả sự thật về "Con Chiên Thiên Chúa", và như thế họ cũng không thể nào nhận ra Người để làm chứng về Người, vì họ chưa đủ thời lượng hấp thụ Người, hay ngược lại, chưa được Người truyền đạt cho họ bản thân Người, Thánh Linh của Người, nên họ không có đủ hay chưa đủ hấp lực trong việc lôi kéo thêm người khác đến cùng Người.

Trong đời sống Kitô hữu cũng thế, chúng ta đều biết nơi Chúa ở là Giáo Hội, là Lời Chúa, là Thánh Thể, là Thánh Sủng nơi chính bản thân mình, là tha nhân nơi những người anh chị em hèn mọn nhất. Thế nhưng, nếu chúng ta không "ở với Người" bằng việc hiệp thông với Giáo Hội, bằng việc trân trọng suy nghiệm Lời Chúa, bằng việc viếng Thánh Thể, chầu Thánh Thể, rước Thánh Thể (thực sự hay/và thiêng liêng), bằng việc cảm thông và cảm thương tha nhân, bằng tâm hồn bình an tự tại siêu thoát, chúng ta thật sự sẽ chẳng bao giờ có thể biết Người là ai, biết một cách thật sự, biết một cách linh thánh, đúng như Người mạc khải trong Phúc Âm, và do đó chúng ta cũng chẳng thế nào làm chứng về Người, trái lại, có những lúc chúng ta còn tác hành phản chứng về Người theo chiều hướng phản kitô của chúng ta nữa....

Vấn đề sống đức tin không dừng lại ở chỗ hai môn đệ "ở với Người hôm ấy" 3 tiếng (cứ cho là 3 tiếng như thế đi, từ 4-5 giờ chiều tới 7-8 giờ tối) cũng không đủ, dù đã nhận biết Người, vì sau đó, khi đã chính thức trở thành môn đệ của Người rồi, thậm chí đã được chọn làm thành phần tông đồ trong 12 vị, và "ở với Người" ba năm chăng nữa, các môn đệ này vẫn chối bỏ Người, nhất là trong cuộc khổ nạn và tử giá của Người. Sự kiện các tông đồ nói chung và hai vị môn đệ này nói riêng đã tỏ ra chối bỏ Người cho thấy các vị "ở với Người" 3 năm vẫn chưa đủ, mà phải "ở với Người" cho đến khi Người không ở với họ nữa, nghĩa là cho đến "khi chàng rể bị mang đi họ mới cần phải chay tịnh", như Chúa Giêsu báo trước cho các vị trong Bài Phúc Âm Thứ Hai Tuần II ngày mai, nghĩa là các vị phải "ở với Người" cho tới khi "Thày sẽ trở lại với chúng con... để Thày ở đâu các con cũng được ở đó với Thày" (Gioan 14:3).

Tuy nhiên, cái cảm nhận thần linh ban đầu trực giác theo chủ quan nhưng bất khả thiếu này của hai môn đệ trong Bài Phúc Âm hôm nay, trước hết và trên hết, xuất phát từ thể lý, từ thân xác của họ, tức là từ con mắt và lỗ tai của họ: con mắt họ đã chứng kiến thấy hành vi cử chỉ của "Con Chiên Thiên Chúa" và lỗ tai của họ đã lắng nghe tất cả mọi lời và mỗi lời của "Lời đã hóa thành nhục thể" (Gioan 1:14). Đó là lý do Thánh ký Gioan ở ngay đầu Thư Thứ Nhất (trong 3 thư) của ngài đã khẳng định: "Ðiều chúng tôi đã thấy và đã nghe, chúng tôi loan báo cho cả anh em nữa, để chính anh em cũng được hiệp thông với chúng tôi, mà chúng tôi thì hiệp thông với Chúa Cha và với Ðức Giêsu Kitô, Con của Người" (1:3).

Chính vì thân xác của con người nói chung và của Kitô hữu nói riêng là phương tiện để cảm nhận thần linh rất quan trọng và khẩn thiết bất khả thiếu như thế mà trong Thư Thứ Nhất gửi giáo đoàn Corintô ở Bài Đọc II hôm nay, Thánh Phaolô đã khuyên Kitô hữu của giáo đoàn này nói riêng, và Kitô hữu mọi đời nói chung, hãy nhận thức rằng "thân xác anh em là chi thể của Chúa Kitô sao? Nhưng ai kết hợp với Chúa thì nên một thần trí.... Anh em không biết thân xác anh em là đền thờ Chúa Thánh Thần, Ðấng ngự trong anh em mà anh em đã nhận lãnh nơi Thiên Chúa, vì anh em không còn thuộc về chính mình nữa sao?"

Đúng thế, nếu chung nhân tính của Chúa Kitô và riêng thân xác của Người "đầy ân sủng và chân lý", thì nhân tính của Người và Thánh Thể của Người là dấu chỉ thần linh để chính bản thân Người hay Thần Tính của Người tỏ mình ("chân lý") và là Bí Tích để Người thông ban ("ân sủng") từ Người, nơi Người và của Người, cho những ai đến với Người bằng một tâm hồn khát khao và cởi mở, thành phần nhờ sống trong một thân xác như là chi thể của Chúa Kitô, là đền thờ Thánh Thần, như thiếu nhi "Samuel ngủ trong đền thờ Chúa, nơi đặt Hòm Bia Thiên Chúa", mà nghe thấy tiếng Chúa gọi hầu đáp ứng một cách tương xứng, hay như 2 môn đệ của Thánh Gioan Tiền Hô trong bài Phúc Âm hôm nay, cũng đến gần với Chúa Kitô là "Người Con đầy ân sủng và chân lý", nhờ đó họ đã nhận ra Người, và làm theo ý của Người theo tâm tình "Lạy Chúa, này con xin đến để thực thi ý Chúa" của Bài Đáp Ca hôm nay: 

1) Con đã cậy trông, con đã cậy trông ở Chúa, Ngài đã nghiêng mình về bên con, Ngài đã đặt trong miệng con một bài ca mới, bài ca mừng Thiên Chúa chúng ta.

2) Hy sinh và lễ vật thì Chúa chẳng ưng, nhưng Ngài đã mở rộng tai con. Chúa không đòi hỏi lễ toàn thiêu và lễ đền tội, bấy giờ con đã thưa: "Này con xin đến".

3) Như trong quyển vàng đã chép về con: lạy Chúa, con sung sướng thực thi ý Chúa, và pháp luật của Chúa ghi tận đáy lòng con.

4) Con đã loan truyền đức công minh Chúa trong Ðại Hội, thực con đã chẳng ngậm môi, lạy Chúa, Chúa biết rồi.